Mẹ chăm bé

Những thắc mắc của mẹ khi “nhà có con gái lớn”

Khi con gái dần trưởng thành, các vấn đề về tâm sinh lý cũng sẽ thay đổi theo khiến cho các mẹ bối rối và lo sợ. Các mẹ thường gặp những câu hỏi dưới đây:

1. Quan điểm sống

Bạn ngưỡng mộ những người phụ nữ với sắc đẹp bình thường nhưng lại rất thông minh và tài năng. Nhìn lại con gái yêu của mình, bạn thấy một Miley Cyrus phiên bản Việt. Bạn luôn muốn con chinh phục và đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống nhưng con bé luôn hờ hững với mọi thứ… Sự cách biệt giữa các thế hệ là nguyên nhân tạo ra những khác biệt này. Lúc này, mẹ không nên cố tranh cãi, gò ép con theo quan điểm của mình mà nên ngồi lại nói chuyện với con, cùng trao đổi để hiểu thêm về suy nghĩ của con, và mẹ sẽ nhận ra, mọi khác biệt cũng không khó điều hòa đến thế.

2. Thời trang và làm đẹp

Bạn vừa học được cách thắt bím tóc cho con như trên Youtube nhưng con của bạn chẳng còn thích những kiểu tóc “ trẻ con” như vậy nữa mà muốn được nhuộm tóc màu hồng. Bạn từ chối và con bé trở nên thật bướng bỉnh. Nếu bạn đồng ý, con gái lại bắt đầu vòi vĩnh để có một hình xăm thật “chất” trên người. Cách trả lời tốt nhất lúc này là “ Hãy để tạm thế đã ” và mong rằng con bé sẽ quên đi điều đó. 

3. Các vấn đề của tuổi dậy thì

Ủ rũ, hung hăng, ăn nói thiếu lễ phép và trở nên khó bảo. Chuyện gì đã xảy ra với thiên thần nhỏ của tôi vậy ? – đó là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh có con cái bước vào lứa tuổi dậy thì. Tác động của Hoocmon chính là lí do của sự thay đổi này. Đừng lo lắng, con bé sẽ ổn thôi. 20 năm nữa nó sẽ trở thành một người mẹ tuyệt vời giống bạn.

Những thắc mắc của mẹ khi “nhà có con gái lớn” 1

4. Khi con dần trưởng thành

Một ngày đẹp trời, bạn nhận ra bé con béo tròn xưa kia nay đã trở nên cao lớn và xinh đẹp. Con không còn là một cô bé con nữa mà dần trở nên quan tâm đến những chàng trai và có những mối quan hệ xã hội phức tạp. Nhìn vào con, bạn sẽ phải ngạc nhiên trước vẻ đẹp trẻ trung, tràn đầy sức sống đó và tủi thân với nhan sắc của mình. Điều duy nhất bạn nên làm lúc này là hãy tận hưởng những tháng ngày rực rỡ nhất trong đời con và luôn ở bên con mỗi lúc con cần.

5. Cảnh báo con về những chiêu “lừa tình” của đàn ông

Bạn không hề muốn dọa con và đàn ông không phải ai cũng giống nhau. Con bé ngưỡng mộ bố mình và bắt đầu hẹn hò với những chàng trai tốt giống bố. Nhưng cũng có thể con sẽ gặp những tên “ Sở Khanh”, đòi hỏi con bé những dâng hiến để chứng minh tình yêu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn cần dạy coN kiến thức cơ bản để cảnh giác hơn với động cơ của những người đó. Bạn cần trò chuyện với con thường xuyên về lòng tự trọng, tình yêu, giới tính và các mối quan hệ. Chọn những câu chuyện phù hợp với lứa tuổi của con và trò chuyện thật thoải mái. Đừng cố gồng mình để trở thành những người cha bà mẹ khô khan và nghiêm khắc. Con sẽ không dám chia sẻ những điều thầm kín với bạn đâu!

6. Nếu như con lỡ có mang?

Khi con “lỡ có”, dù cho con đang có mối quan hệ tình cảm ổn định hay không, phụ nữ luôn là người phải gánh chịu nhiều hậu quả nhất. Bạn đau lòng vì sự dại dột của con, tự trách mình khi chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ và lo lắng khi hai đứa vẫn còn quá trẻ để đón chào sự xuất hiện của một sinh linh nhỏ. Điều đầu tiên mẹ cần làm trong lúc này là cần phải bình tĩnh, cùng con thảo luận về mọi vấn đề: sinh nở, trách nhiệm, học hành, việc làm, cưới hỏi, nuôi con, tương lai, thậm chí cả về việc phá thai. Đồng thời mẹ cần dẫn con đi gặp bác sĩ phụ khoa để kiểm tra sức khỏe, hiểu rõ về các hướng xử lí và các nguy cơ. 

7. Khi nào tôi mới lên chức bà?

Khi con trưởng thành, mong muốn của hầu hết cha mẹ là con mình luôn được hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp. Nhưng thực ra, với các bà mẹ có con gái, mong ước lớn nhất của họ lại là con sớm có một gia đình đầm ấm với những bé con đáng yêu. Nhưng vì nhiều lí do mà con bạn chưa muốn có con hay thậm chí là còn chưa muốn lập gia đình. Tất nhiên là chúng ta không muốn tạo thêm áp lực cho con và nên để mọi chuyện diễn ra tự nhiên. Cố đừng quá xúc động khi nhìn những cô gái tầm tuổi con bạn có con và hãy giấu những hy vọng “cháy bỏng” đó cho đến khi con sẵn sàng.
Nguồn: Afamily.vn

7 bí quyết giúp bạn rèn cho bé thói quen ngủ riêng


Để tạo cho bé có được thói quen ngủ riêng là rất khó. Vì thế nên rất nhiều các mẹ, các bố đang không biết phải làm thế nào thì bài dưới đây xin chia sẻ 7 bí quyết rèn cho bé ngủ riêng.

1. Chuẩn bị phòng ngủ cho bé

Hãy để bé cùng lựa chọn và trang trí phòng riêng theo ý thích: sơn tường, treo ảnh bé hay đơn giản là trang trí những hình dán nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh… Điều này vừa giúp cho cha mẹ và bé gần gũi lại vừa làm bé thấy yêu thích căn phòng hơn đấy. Khi chuẩn bị phòng ngủ cho bé, bạn cũng nên chú ý tạo một môi trường thuận lợi cho giấc ngủ, tránh để quá nhiều thiết bị điện tử. Nếu bé sợ bóng tối, hãy để một chiếc đèn ngủ nhỏ trong phòng: ánh sáng nhẹ nhàng sẽ khiến bé an tâm và ngủ ngon hơn.

2. Hình thành những thói quen trước khi đi ngủ

Hãy tập cho bé những thói quen đều đặn như đánh răng, làm vệ sinh cá nhân, xếp gọn đồ chơi trên giường trước khi đi ngủ. Bạn cũng có thể kể cho bé nghe những câu chuyện cổ tích thú vị giúp bé dễ ngủ hơn. Tránh kể quá nhiều về quái vật có thể khiến bé gặp ác mộng khi ngủ và không dám ngủ một mình nữa.

7 bí quyết giúp bạn rèn cho bé thói quen ngủ riêng 1

3. Hạn chế xuất hiện bên bé

Rời khỏi phòng trước khi bé ngủ thiếp đi để giảm dần sự phụ thuộc của bé. Tạo cho bé suy nghĩ rằng bé đang lớn lên và tự lập hơn. Nếu bé lo sợ khi bạn rời đi, có thể giải thích với bé: “Bố mẹ ở ngay phòng bên cạnh thôi, nếu cần con có thể gọi mẹ”. Bạn cũng có thể mua cho bé một chiệc gối ôm hoặc gấu bông để bé có cảm giác có bạn chơi cùng, ngủ cùng.

4. Để ý xem bé có ngủ ngoan không

Khoảng 15-20 phút sau khi bảo bé nhắm mắt ngủ, bạn có thể nhẹ nhàng mở cửa ra để xem bé có ngủ được hay không. Thỉnh thoảng bạn có thể sang phòng chỉnh lại tư thế nằm thoải mái cho bé hay kéo chăn cho bé đỡ lạnh. Nếu biết điều này, bé sẽ yên tâm hơn nghĩ rằng bố mẹ luôn ở bên mình đấy.

5. Không nên quá nóng vội

Trẻ em Á Đông hầu hết đều quấn cha mẹ, vì vậy việc tập cho bé ngủ riêng ban đầu có thể gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, bạn đừng quá lo lắng mà tạo áp lực cho bé. Hãy kiên trì giúp bé thích nghi dần dần để bé có thể tự lập hơn.

7 bí quyết giúp bạn rèn cho bé thói quen ngủ riêng 2

6. Dứt khoát với bé

Với tâm lí thương con, các bậc cha mẹ thường rất dễ mủi lòng khi thấy bé ôm gối sang phòng mình xin ngủ cùng. Tuy vậy, bạn cần dứt khoát giải thích với bé: “Giờ con đã lớn rồi, con cần học cách ngủ một mình”. Sau đó, bạn có thể đưa bé về phòng, nán lại một chút để dỗ bé ngủ nhưng không nên để bé ngủ cùng. Nếu bạn dễ dàng “thỏa hiệp” với bé, việc rèn cho bé thói quen ngủ riêng sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn đấy.

7. Có phần thưởng cho bé

Nếu bé làm tốt, ngủ ngoan, bạn hãy khen ngợi kịp thời hoặc là thưởng cho bé một món đồ chơi nhỏ xinh hay một món ăn mà bé yêu thích. Bé sẽ cảm thấy được động viên và có động lực ngủ riêng hơn đấy.

Các bệnh mà trẻ em thường mắc phải vào mùa hè

Bệnh tay -  chân – miệng
Bệnh chân tay miệng chủ yếu xuất hiện ở trẻ em, lây lan rất nhanh và tạo thành dịch khó kiểm soát. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, bệnh dễ gây biến chứng viêm não ở trẻ, thậm chí gây tử vong.
Bệnh chân tay miệng có thời gian ủ bệnh từ 3 – 7 ngày với các biểu hiện đầu tiên là sốt nhẹ, mỏi mệt, kém ăn, đau họng. Sau đó, da của bé xuất hiện những nốt ban màu hồng có đường kính khoảng 2mm, ở trong miệng và trên da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi cũng thấy ở mông và cẳng chân. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất và cách khi khỏi các trẻ khác để tránh dịch bùng phát.
bệnh mùa hè
Mùa hè là lúc bệnh sốt xuất huyết bùng nổ
Trẻ bị sốt xuất huyết là do bị muỗi anophen đốt, nhất là trong mùa hè, thời tiết ủng hộ loại muỗi này sinh sôi và phát triển. Trẻ đột ngột sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên. Da của bé xuất hiện các chấm đỏ và bầm da, chảy máu mũi và chân răng. Khi bệnh chuyển nặng, trẻ nôn nhiều, nôn ra máu, phân cũng có máu. Trong vòng 3 – 6 ngày, trẻ hết sốt nhưng bệnh tình của trẻ không nhẹ đi mà còn trầm trọng hơn với các triệu chứng như lừ đừ, lạnh tay chân, tím môi, vã mồ hôi, bứt rứt, nôn nhiều, đau bụng, chảy máu bất thường.
Ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt không thuyên giảm, ba mẹ cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được hạ sốt kịp thời. Đồng thời, mẹ nên cho trẻ nằm màn, diệt muỗi và loăng quăng xung quanh nhà để phòng bệnh sốt xuất huyết cho bé.
Trẻ dễ bị sốt vi-rút vào mùa hè
Vi-rút gây bệnh sinh sôi nhanh hơn vào mùa hè. Chúng lựa chọn đối tượng là trẻ em – sức đề kháng non kém để tấn công. Trẻ bị sốt vi-rút thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu. Bệnh có thể đi kèm theo triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi, ho.
Một số trẻ có thể bị sốt vi-rút khi phát ban, hay gặp nhất khi trẻ bị nhiễm vi-rút Rubella sởi. Khi đó, trẻ có các ban đỏ mịn, thường xuất hiện vào ngày thứ 2-4 của bệnh, ban thường tuần tự từ đầu mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo tuần tự như vậy. Ngoài ra trẻ có nổi hạch ở cổ, gáy, gây đau và tồn tại lâu mới mất đi. Bệnh thường diễn biến lành tính trong 3-5 ngày.
Điều trị trẻ bị sốt vi-rút chủ yếu là hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng cẩn thận để hạn chế bội nhiễm. Tuy nhiên, cần lưu ý vì một số trường hợp có biến chứng, nên cần theo dõi để phát hiện các triệu chứng của viêm não như đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật, để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Bệnh thuỷ đậu
Thuỷ đậu là bệnh do virus gây ra. Trẻ bị thuỷ đậu trước tiên sẽ có triệu chứng ngây ngấy sốt, sau có thể sốt cao. Bệnh có thể kéo dài 4-5 ngày. Bệnh hay gặp lúc chuyển mùa, giao thời tiết nóng - lạnh. Khi đã mắc bệnh, con người sẽ có miễn dịch lâu dài suốt đời và ít khi bị lại lần hai.
Đây là bệnh lành tính, đa số trẻ đến khám được cho về điều trị tại nhà. Bệnh hay gặp ở trẻ 1-9 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi khả năng bị ít hơn nhưng không phải là không có. Bệnh lây qua đường hô hấp nên khi trẻ ho, virus bắn ra môi trường xunh quanh là các bé khác dễ bị lây. Cha mẹ cần tăng cường vấn đề vệ sinh, ăn uống, đường hô hấp, da để phòng bệnh. Quan trọng là cần đưa trẻ đi tiêm phòng khi được 12 tháng tuổi. Trẻ đã bị thủy đậu thì không cần tiêm phòng nữa.
Nếu trẻ có dấu hiệu sốt trong những ngày nốt thuỷ đậu xuất hiện và lan rộng thì phải đưa con đi bác sĩ ngay lập tắc, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Viêm màng não
Bệnh viêm não, viêm màng não do nhiều loại virus gây ra, như virus Arbovirus, các virus đường ruột, virus thủy đậu, quai bị…  
Biểu hiện của bệnh là sốt, choáng váng, đau họng, đau bụng, sổ mũi, hắt hơi, ho, đau đầu, nôn. Nếu bệnh nhân bị tổn thương não sâu hơn sẽ dẫn đến ngủ lịm, hôn mê, thiểu năng trí tuệ. Một số trường hợp xuất hiện sốt đột ngột, co giật ngoại ý, liệt chân tay. Viêm não cấp tính thường kéo dài 1- 3 tuần, nhưng sự hồi phục rất chậm. Mặc dù đã có thuốc kháng virus nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virus chứ không phải kháng tất cả các virus.
Để phòng bệnh, cần tránh để muỗi đốt bằng cách dùng nhang xua muỗi, phun thuốc muỗi định kỳ, mặc quần áo dài, ngủ màn, nuôi cá diệt loăng quăng ở những nơi chứa nước, phát quang bụi rậm... Đối với bệnh viêm não Nhật Bản B đã có vắc xin thì nên cho trẻ tiêm phòng bệnh.
bệnh mùa hè
Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài phân lỏng 3 lần trở lên trong ngày. Nguyên nhân chính là do ăn uống thiếu vệ sinh, thức ăn ôi thiu gây nhiễm khuẩn, thiếu vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh. Đặc biệt bệnh dễ dàng bùng phát do ô nhiễm nguồn nước.
Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy là nôn mửa, chuyển động, đau dạ dày, miệng trở nên khô, da bị mất nước và không còn đàn hồi, đi tiểu ít.
Để phòng bệnh tiêu chảy cho con, cha mẹ cần lưu ý cho uống nước đun sôi, rửa tay và chân trước khi ăn uống, vệ sinh sạch móng tay. Nếu bị mắc tiêu chảy, nên cho con uống nhiều nước, uống thêm dung dịch Oresol cho trẻ em.  
Lưu ý, cha mẹ không nên tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ, không nên ăn những thực phẩm ngoài đường phố vì những thực phẩm này gây nguy cơ ngộ độc rất cao nhất là vào mùa hè. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ và theo dõi để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bệnh tiêu chảy, chủ động đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời, đề phòng biến chứng nguy hiểm.
Ngộ độc thực phẩm
Mùa hè là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là với trẻ nhỏ vì sức đề kháng kém.
Khi bị ngộ độc thức ăn trẻ thường có các biểu hiện như nôn ói, đau bụng và tiêu chảy. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc từ 1 giờ đến 3 ngày. Trẻ có thể nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày. Đau bụng dữ dội, quặn từng cơn sau đó đi tiêu chảy, triệu chứng đau quặn bụng thường xảy ra trước lúc đi ngoài. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn mửa nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho trẻ, các bậc cha mẹ nên bảo đảm thức ăn an toàn và hợp vệ sinh, nấu chín thức ăn. Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ thức ăn lạnh. Hâm nóng kỹ lại thức ăn trước khi ăn để tiêu diệt các vi khuẩn mới nhiễm. Tạo thói quen cho trẻ và người chăm sóc rửa tay cho trẻ trước khi ăn. Bên cạnh đó hành trang khi đi du lịch của nhà bạn nên kèm theo vài gói oresol để kịp thời bù nước cho trẻ khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm.
Dịch sởi lan rộng trên toàn quốc với 80 - 90% các trường hợp mắc là trẻ nhỏ. Bệnh gây suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Chăm sóc dinh dưỡng và vệ sinh sẽ giảm các tai biến nguy hiểm.

Trứng, sữa là thực phẩm giúp trẻ mắc sởi sớm hồi phục sức khỏe

“Không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với vi rút sởi. Việc điều trị bệnh sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng (sốt, ho, tiêu chảy, viêm kết mạc mắt). Đặc biệt việc nâng cao miễn dịch, chăm sóc, dinh dưỡng, nâng cao thể trạng hỗ trợ cho phòng ngừa biến chứng.

“Trẻ bị mắc sởi dễ bị suy dinh dưỡng, thậm chí suy dinh dưỡng nặng thêm bởi trẻ ăn kém do viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã, nhiễm nấm Candida hoặc Herpes. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh sởi rất cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ”, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) lưu ý.

Tình trạng sốt, tiêu hao năng lượng, mất nước, chán ăn, bỏ ăn do nhiễm vi rút, do rối loạn nước điện giải, do viêm niêm mạc miệng. Đặc biệt, cơ thể sẽ tăng tốc độ dị hóa gây tiêu cơ, tăng nhu cầu năng lượng, do đó mắc sởi rất dễ dẫn đến suy dinh dưỡng.

Về dinh dưỡng, những ngày đầu tối thiểu đạt 70%, sau tăng dần đến 100% nhu cầu. Khi hết sốt, trẻ ăn được cần tăng thêm 10 - 20% nhu cầu. Nên sử dụng các thực phẩm: sữa, trứng, các loại thịt, cá nạc; gạo, bột gạo, mì, khoai tây, đường, đồ ngọt; chất béo là các loại: dầu đậu nành, dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng. Các loại quả tươi, rau xanh. Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, B, C, D, kẽm...

Trái cây tươi là thực phẩm giúp trẻ mắc sởi sớm hồi phục sức khỏe

“Quá trình chăm sóc trẻ bệnh, nên chế biến món ăn mềm hơn, lỏng hơn so với lúc trẻ chưa bị bệnh, phù hợp với từng lứa tuổi và chia nhỏ bữa ăn. Nên tập trung cho ăn vào thời điểm trẻ sốt không cao. Cho trẻ uống nhiều nước hơn so với nhu cầu, đặc biệt nếu trẻ bị sốt, nôn, tiêu chảy thì cần bổ sung thêm nước, điện giải (dung dịch oresol) theo hướng dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Kim Liên lưu ý. Trẻ bị sởi có biến chứng suy dinh dưỡng, viêm phổi, tiêu chảy cần được bổ sung vitamin A, kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cách nuôi dưỡng trẻ mắc sởi

Giai đoạn 1 - 3 ngày đầu (sốt, ho): chế độ ăn lỏng, mềm. Nhu cầu đạt 70 - 80% tổng số. Bù đủ nước và điện giải (uống oresol), các vitamin. Thức ăn tùy theo lứa tuổi và khẩu vị của trẻ, có thể lựa chọn các món ăn sau: sữa, súp, cháo, phở, nước trái cây. Chia ra ăn nhiều bữa, uống nhiều nước.

Giai đoạn phát ban: trẻ có thể nổi ban ở niêm mạc, ăn uống khó khăn; có thể có tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa: cần ăn thức ăn mềm, lỏng, không mặn quá, không chua; thức ăn dễ tiêu, hạn chế xơ sợi.

Giai đoạn hồi phục: chế độ ăn tăng năng lượng, tăng đạm. Các trẻ nặng tại bệnh viện có thể nuôi dưỡng qua sonde hoặc tĩnh mạch theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Vài lưu ý

Với trẻ trong độ tuổi bú mẹ, các bà mẹ cần tiếp tục cho con bú và cho bú nhiều hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Không được cai sữa khi trẻ bị bệnh. Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm, béo, bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng).

Trẻ cần được giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ; lau người, tắm bằng nước ấm và nơi nằm thoáng sạch; tuyệt đối không để trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến biến chứng viêm phổi. Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ tránh bị “cam tẩu mã” do sởi gây tình trạng viêm loét niêm mạc miệng. Chăm sóc vệ sinh mắt, chống nhiễm trùng cơ hội, chống loét giác mạc, hạn chế hình thành sẹo giác mạc, phòng teo nhãn cầu hay phình giãn nhãn cầu.

Liên Châu

Vào những ngày thời tiết trở lạnh, cần giữ ấm bụng, ấm chân nhưng cũng không nên mặc quá nhiều quần áo cho bé.


Giữ ấm bụng

Giữ ấm bụng cho bé trong ngày lạnh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ dạ dày. Bởi nếu bị lạnh bụng, bé rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Trong thời tiết lạnh với nhiệt độ thấp, bụng được giữ ấm, dạ dày hoạt động bình thường sẽ giúp bé tăng cường tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.

Để luôn giữ ấm bụng của bé, bạn nên cho bé mặc kiểu áo giống tạp dề hoặc quấn một lớp khăn mỏng quanh vùng bụng rồi mới mặc quần áo ra ngoài. Chú ý không nên quấn lỏng rất dễ bị tuột ra ngoài và không giữ được nhiệt, cũng không nên quấn quá chặt khiến bé cảm thấy khó chịu và gây cản trở cho các hoạt động của bé. Khi bé ngủ, bạn vẫn có thể quấn khăn để đề phòng bé đạp chăn sẽ bị hở bụng. 

5 chú ý quan trọng khi mặc quần áo cho bé trong ngày lạnh 1

Bảo vệ bàn chân

Bàn chân có rất nhiều dây thần kinh và là khu vực rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài. Ngoài ra, theo Đông y, gan bàn chân chứa một số huyệt quan trọng liên quan chặt chẽ đến sức khỏe toàn bộ cơ thể. Vì thế, nếu chân bị lạnh sẽ gây ảnh hưởng đến hô hấp và sự tuần hoàn máu, thậm chí có thể làm sức khỏe của bé bị suy yếu dần. 

Trong ngày lạnh, để bảo vệ đôi bàn chân của bé, ngoài việc đi tất, giầy, bạn nên rửa sạch và ngâm chân cho bé trong nước ấm trước khi đi ngủ. Sau khi ngâm chân xong, bạn nhanh chóng lau hoặc dùng máy sấy khô để ngăn ngừa cảm lạnh, bé sẽ dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Nếu cho bé ra ngoài trời, bạn cần quấn kín chân và phần thân dưới của bé bằng một tấm chăn mỏng để giữ nhiệt. 

Ngoài ra, nếu trời mưa hoặc bé bị ướt chân vào ban ngày, cần chắc chắn bàn chân của bé sẽ được làm khô và giữ ấm kịp thời. Cũng không nên ngâm chân quá lâu trong ngày mưa lạnh để tránh bé bị cảm. 

Không nên mặc quá nhiều quần áo

Do tâm lý sợ con bị lạnh mà nhiều bà mẹ thường cho con mặc tầng tầng lớp lớp quần áo. Điều này chưa chắc đã tốt bởi mặc quá nhiều quần áo trước hết làm cho bé rất khó cử động tay chân. Sau nữa vì bé thường đùa nghịch, chạy nhảy nên hay ra mồ hôi nên mặc nhiều lớp quần áo khiến mồ hôi khó bay hơi và thấm ngược trở lại vào da khiến bé dễ bị cảm lạnh

Ngoài ra, việc mặc quá nhiều quần áo còn gây ảnh hưởng cho da và làm giảm khả năng thích nghi với nhiệt độ môi trường của cơ thể bé. 

Trong những ngày trời quá lạnh, nhiệt độ xuống rất thấp, để yên tâm hơn, bạn có thể sử dụng điều hòa hoặc máy sưởi để làm ấm không khí trong phòng bé cũng là một cách giúp bé không bị lạnh mà không phải mặc trên người quá nhiều quần áo.

5 chú ý quan trọng khi mặc quần áo cho bé trong ngày lạnh 2

Chuẩn bị một vài chiếc khăn thấm mồ hôi

Trẻ nhỏ chạy nhảy, nô đùa là chuyện bình thường nên khi hoạt động như vậy, mồ hôi sẽ ra rất nhiều kể cả trong thời tiết lạnh. Bạn cần chuẩn bị sẵn vài chiếc khăn khô, chất liệu mềm và thấm nước để nhanh chóng lau hết mồ hôi cho bé mỗi khi bé nô đùa. Chú ý lau ở vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân là những khu vực thường ra nhiều mồ hôi. 

Không thể thiếu áo khoác và quần dài

Đây là loại quần áo thật sự cần thiết để giữ ấm cho bé khi đi ra ngoài trời. Cho dù bé ra ngoài để chơi các trò chơi vận động hoặc nô đùa, chạy nhảy thì từ nhà ra đến chỗ chơi vẫn phải mặc đầy đủ cho bé. Khi đến nơi, đợi một lát bạn mới có thể cởi bớt quần áo để bé vận động thoải mái hơn. 
Khi đi từ ngoài vào trong nhà, cũng phải đợi một lát để bé thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ, bạn mới bỏ áo khoác và quần dài cho bé. 

Ngoài ra, khi bé vừa ngủ dậy, bạn không nên cho bé chạy thẳng ra ngoài trời để chơi đùa hay làm việc gì khác mà phải mặc cho bé một chiếc áo khoác mỏng rồi đợi cho cơ thể bé thích nghi với nhiệt độ trong phòng mới cho bé ra ngoài chơi. 
Nguồn: afamily.vn
Nguyên nhân và mẹo chữa nấc cho trẻ đúng cách

Trẻ sơ sinh bị nấc cục nhiều có nguy hiểm gì không. Không nên lo lắng, tất cả trẻ sơ sinh đều bị nấc, nấc thường xảy ra sau khi trẻ bú và hiện tượng này sẽ giảm dần khi trẻ trên 1 tuổi. Khi trẻ sơ sinh bị nấc, chỉ cần cho trẻ ngậm ti mẹ để mút hoặc vỗ hay vuốt lưng cho trẻ ợ hơi là cách xử lý đúng nhất.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành, làm cho khí hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng kín lại.
Nấc thường kéo dài vài phút và có thể vài lần trong một ngày. Nấc là phản xạ của thần kinh phế vị được hình thành từ trong bào thai để chuẩn bị vận hành các cơ hô hấp cho việc thở ngay sau khi trẻ được sinh ra.

trẻ sơ sinh hay bị nấc 1

Mọi trẻ sơ sinh khoẻ mạnh đều có thể bị nấc vào bất cứ lúc nào, nhất là sau sinh và giảm dần sau một tuổi. Nấc thường xảy ra sau khi ăn, thay đổi tư thế, khi bị nóng, lạnh….
Nếu trẻ bị nấc mỗi ngày vài lần, mỗi lần 3 phút là bình thường không cần khám và điều trị gì, dần dần tình trạng này sẽ hết.
Để giảm nấc, không nên cho bé ăn khi bé bị đói quá, và cũng không nên cho ăn hoặc bú quá no, khi cho bé bú bằng bình cần chú ý không để trẻ bú quá nhanh làm dạ dày dãn nhiều hơi. Sau khi ăn nên bế trẻ đầu cao khoảng 10 phút.
Nếu bé bị nấc mật độ dày và kéo dài, có thể cắt cơn nấc bằng cách cho bé uống một vài thìa nước hay bú mẹ, bế bé đứng thẳng đỡ đầu và lưng bé, để cằm bé tỳ vào vai mẹ sau đó vuốt lưng hoặc vỗ nhẹ để bé ợ hơi, cũng có thể dùng ngón tay ấn cùng lúc vào 2 nắp tai trẻ vài phút.
Có nhiều người chữa “mẹo” bằng cách lấy cuốn chiếu hoặc một mẩu giấy dán lên trán giữa đầu trong lông mày cũng làm trẻ hết nấc.

Làm gì khi trẻ bị nấc cục nhiều?


Hỏi: Bé nhà tôi được 17 tháng. Mỗi lần ăn xong hoặc cười đùa cháu rất hay bị nấc. Xin hỏi bác sĩ, nấc nhiều như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu không và làm thế nào để hạn chế nấc? (Minh Hiền, Hà Nội)
Trả lời của bác sĩ:
Nấc xảy ra do cơ hoành co thắt đột ngột, ngay khi cơ hoành co thắt, nắp thanh quản (nắp đóng đường dẫn khí để tránh cho thức ăn, thức uống rơi vào phổi) đóng lại tạo nên tiếng “hic”. Nấc có thể tự nhiên xuất hiện hay xảy ra khi trẻ vừa cười vừa ăn hoặc vừa cười vừa uống.
Ai cũng có thể bị nấc, tuy nhiên, nấc lại hay xảy ra ở trẻ nhỏ. Bạn có biết, ngay cả khi bé còn ở trong bụng mẹ, bé đã bị nấc cụt trước khi bé biết thở. Như vậy, nấc là một hiện tượng trong quá trình phát triển của trẻ, vì thế bạn không cần phải lo lắng khi con mình hay bị nấc, nhất là khi ăn .
Nếu trẻ không khó chịu hay mệt mỏi vì nấc, bạn cũng không cần cố gắng làm trẻ dừng nấc, hoặc có cách cho trẻ không nấc nữa là hãy cho trẻ uống nước, sữa hoặc cho trẻ bú. Tuy nhiên, đôi khi cách này cũng không hiệu quả.
Khi trẻ bị nấc, bạn có thể làm theo một số mẹo như: Đối với trẻ sơ sinh, bế trẻ lên rồi dùng ngón tay gãi nhẹ trên môi hoặc mang tai của bé khoảng 60 cái, nếu trẻ khóc được thì sẽ khỏi nấc nhanh hơn vì lúc đó thần kinh thực quản giãn ra, triệu chứng nấc sẽ biến mất. Ủ ấm, sưởi ấm cho trẻ. Với trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ uống nước. Nếu trẻ lớn, hướng dẫn trẻ cách hít thở sâu, ngồi gập người trên đầu gối… Trong trường hợp trẻ bị nấc liên tục trong 3 giờ đồng hồ thì nên đưa tới bác sĩ khám và tìm nguyên nhân để được can thiệp sớm.

Bé sơ sinh bị nấc cụt có phải là bệnh?


Hỏi: Bé gái 2 tháng tuổi, từ khi sinh ra đã hay bị nấc và nấc rất lâu. Mỗi lần bé thường nấc khoảng từ 7 tới hơn chục phút, có lần tới 20 phút, ngày nấc 3 – 4 lần.
Xin bác sĩ cho hỏi có cách nào chữa được nấc cho bé không? (Phan Nhung – Hà Nội)
Trả lời:
Nấc cụt ở bé thường xảy ra sau khi ăn, do dạ dày bị căng giãn vì quá nhiều hơi hoặc thức ăn. Để có thể ngăn ngừa tình trạng này, các bà mẹ chỉ cần cho bé ăn – bú đúng giờ trước khi bé quá đói và không nên để quá no.
Bé bú mẹ bị nấc thường do nuốt quá nhanh hay nuốt cả không khí. Nếu cho bé bú bình, các bà mẹ nên tìm cho trẻ loại núm vú có thể điều chính tốc độ chảy của sữa.
Ngoài ra, nấc cụt ở bé còn có thể do trào ngược dạ dày – thực quản, viêm phổi hay bị phản ứng thuốc.
Nấc cụt là hiện tượng hết sức bình thường và hay xảy ra đối với bé sơ sinh, nhất là vào những tháng đầu sau sinh và sẽ giảm hẳn sau 1 tuổi.
Vỗ hay vuốt lưng cho trẻ ợ hơi hoặc để cho bé ngậm, mút một cái gì đó.
Nấc cụt do sự co thắt ngoài ý muốn của cơ hoành, tuy nhiên dấu hiệu này cũng thể do một số bệnh lý như thoát vị cơ hoành, áp xe dưới hoành hoặc các bệnh phổi, tim, thiếu máu cục bộ, tăng urê huyết… Do vậy nếu bé nhà em bị nấc cụt kéo dài thì tốt nhất em nên cho bé đi khám chuyên khoa Nhi, tại đây bé sẽ được khám trực tiếp và điều trị đúng phương pháp nhất.

trẻ sơ sinh hay bị nấc 2


Mẹo hay chữa nấc cho trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi của một mẹ có kinh nghiệm


Bé nhà mình hiện được 4 tháng tuổi và rất hay bị nấc. Mỗi lần như vậy cả hai vợ chồng đều xót con, sốt ruột tìm mọi cách để bé hết nấc. Thế nên, mình ‘thu lượm’ được một vài cách chữa nấc cho trẻ khá hay, xin chia sẻ cùng các mẹ nhé!
Trẻ sơ sinh bị nấc đa phần là do bú quá no kèm theo nuốt hơi vào dạ dày. Ngoài ra, nếu thời tiết quá lạnh, trẻ cười đùa nhiều hoặc vừa ăn uống, vừa cười cũng dễ bị nấc. Thông thường, chỉ một thời gian ngắn khoảng vài chục phút là cơ thể tự cân bằng và hết nấc cụt. Nhưng cũng có trường hợp nấc cụt kéo dài cả ngày hoặc vài ngày. Các bà mẹ không phải lo lắng khi trẻ nấc nhiều lần khi ăn, hãy cứ tiếp tục cho trẻ ăn và nấc sẽ tự hết.
Để chữa nấc cho trẻ sơ sinh, bác sĩ nhi khoa khuyên rằng, hãy bế trẻ lên rồi dùng ngón tay gãi nhẹ trên môi hoặc mang tai của bé khoảng 60 cái, nếu trẻ khóc được thì sẽ khỏi nấc nhanh hơn vì lúc đó thần kinh thực quản giãn ra, triệu chứng nấc sẽ biến mất. Ủ ấm, sưởi ấm cho trẻ.
Ngoài ra, bạn có thể dùng hai ngón tay trỏ nhét chặt hai lỗ tai của trẻ chừng nửa phút; hoặc dùng ngón trỏ và ngón cái bóp kín hai cánh mũi, đồng thời khép kín miệng trẻ lại trong vòng 2-3 giây, rồi nghỉ 2-3 giây và lặp lại 15-20 lần.
Một cách đơn giản nhất chữa nấc là vỗ nhẹ trên lưng bé. Có thể vỗ cả ở vai nhưng phải vỗ nhẹ nhàng và dứt khoát. Điều này giúp bé ợ hơi và hết nấc. Hoặc, cho bé uống từng hớp nước nhỏ để ngừng cơn nấc. Khoảng 2,5ml nước lọc là đủ ngăn chặn cơn nấc.
Với bé đến tuổi ăn dặm, đặt một ít đường trên lưỡi giúp bé chữa nấc. Vị ngọt của đường làm sao lãng các dây thần kinh và ngăn chặn chúng co thắt.
Thay núm vú bình sữa: nếu núm vú quá lớn, tức là bé nuốt phải nhiều không khí khi bú. Sữa sẽ chảy nhỏ giọt khi dốc ngược bình sữa thay vì chảy ồ ạt là đảm bảo núm vú phù hợp.
Cuối cùng, các mẹ có thể dùng mật ong để chữa nấc cũng rất hiệu quả. Lấy khăn sữa nhỏ của bé hoặc cái đánh tưa dành cho trẻ sơ sinh, quấn vào ngón tay trỏ, chấm một ít mật ong rồi đưa vào miệng của bé. Cách này còn giúp bé hết tưa lưỡi.
Lưu ý: Nếu trẻ bạn bị nấc liên tục trong 3 giờ đồng hồ thì nên đưa tới bác sĩ khám và tìm nguyên nhân nấc để được can thiệp sớm.

Nguyên nhân khiến trẻ bị nấc – Cách xử trí khi trẻ bị nấc


Trẻ sơ sinh bị nấc, phải làm sao?

Hỏi: Tôi có con gái 16 ngày tuổi. Mỗi khi thay bỉm hoặc sau khi tắm, cháu thường bị nấc. Xin bác sỹ cho biết nguyên nhân tại sao và làm thế nào cho cháu khỏi nấc. (Thao Nhi – TPHCM)
Trả lời của bác sỹ nhi khoa:
Mọi trẻ sơ sinh khoẻ mạnh đều có thể bị nấc vào bất cứ lúc nào, nhất là sau sinh và giảm dần sau một tuổi. Nấc thường xảy ra sau khi ăn, thay đổi tư thế, khi bị nóng, lạnh…. Nếu trẻ bị nấc mỗi ngày vài lần, mỗi lần 3 phút là bình thường không cần khám và điều trị gì, dần dần tình trạng này sẽ hết.
Để giảm nấc, không nên cho bé ăn khi bé bị đói quá, và cũng không nên cho ăn hoặc bú quá no, khi cho bé bú bằng bình cần chú ý không để trẻ bú quá nhanh làm dạ dày dãn nhiều hơi. Sau khi ăn nên bế trẻ đầu cao khoảng 10 phút.
Như vậy cháu bé con bạn trong tháng đầu bị nấc là hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ, bạn đừng quá lo lắng. Nếu bé bị nấc mật độ dày và kéo dài, có thể cắt cơn nấc bằng cách cho bé uống một vài thìa nước hay bú mẹ, bế bé đứng thẳng đỡ đầu và lưng bé, để cằm bé tỳ vào vai mẹ sau đó vuốt lưng hoặc vỗ nhẹ để bé ợ hơi, cũng có thể dùng ngón tay ấn cùng lúc vào 2 nắp tai trẻ vài phút. Có nhiều người chữa “mẹo” bằng cách lấy cuốn chiếu hoặc một mẩu giấy dán lên trán giữa đầu trong lông mày cũng làm trẻ hết nấc.
trẻ sơ sinh hay bị nấc 3


Bé sơ sinh 1 tháng tuổi bị nấc cục nhiều có nguy hiểm gì không?


Hỏi: Chào bác sĩ,
Bé nhà em thường xuyên bị nấc cụt từ 1 tháng tuổi đến nay (hiện bé đã được 3 tháng 3 ngày tuổi).
Lúc bé 1 và 2 tháng tuổi thì khi bé bú xong em đã cho bé ợ hơi rồi mới đặt bé nằm xuống, nhưng bé nằm xuống và vận động tay chân thì bị trào ngược sữa và bé bị nấc cụt. Từ khi bé bắt đầu có nước bọt bé hay bị nấc cụt là lúc em để bé nằm rồi trò chuyện với bé, bé cười hoặc ê a khoảng tí là bé nấc cụt ngay (không biết có phải do nước bọt nhiều quá bé nuốt không kịp làm cho bé nấc cụt không, vì dạo này miệng bé tiết rất ra nhiều nước bọt), 1 ngày bé bị nấc cụt khoảng 3 đến 4 lần, mỗi khi bé bị nấc cụt thì em cho bé uống nước, có lúc thì bé uống nước tí là hết nấc cụt nhưng có khi bé uống nước rât nhiều nhưng vẫn không hết nấc cụt em phải pha sữa cho bé bú thì mới hết.
Em đã thử kê gối cho đầu bé cao hơn mình bé lúc nằm để khắc phục tình trạng này nhưng vẫn không có kết quả (hiện em cho bé nằm loại gối vỏ đậu).
Xin hỏi bác sĩ bé bị nấc cụt nhiều vậy có bị bệnh gì không và làm sao để khắc phục được tình trạng này. Em xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều.
Trả lời:
Nấc cục là phản xạ của bé dưới 4 tháng tuổi khi dạ dày bị căng. Nếu làm cho bé hít vô lâu hơn hoặc giữ hơi thở lại sẽ giúp bé hết nấc cục (cho uống nước, bú, chọc cho bé cười). Phản xạ này sẽ hết khi bé lớn hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm chữa trị cho trẻ sơ sinh bị nấc cụt nhiều lần


Mẹ bé Socola lo lắng khi con hay bị nấc: Bé nhà em được 2 tháng 1 tuần tuổi. Từ khi bé trong bụng mẹ bé đã nấc cụt liên tục, hầu như ngày nào cũng nấc, em mỗi ngày canh bé nấc chứ ko cần canh bé đạp. Lúc bé sinh ra thì cũng bị nấc luôn. Mặc dù em có đọc trên web nói bé sơ sinh bé nào cũng dễ nấc cụt, nhưng bé nhà em nấc cụt hơi bị nhiều, cụ thể như sau:
- Bé thức dậy nằm chơi một lúc là tự nhiên nấc;
- Bé kêu nằm chơi đồ chơi, kêu ii, ee rất vui vẻ, kêu phấn khích quá là….nấc;
- Bé đang nằm chuẩn bị tè là nấc hoặc đôi khi tè ướt đít nấc;
- Thi thoảng đang bế bé tự nhiên kêu to vui vẻ, phấn khích cũng nấc;
- Tắm xong chưa kịp mặc quần áo thì nấc (cái này em nghĩ nấc do lạnh)
Em mua xe đẩy về cho bé nằm bên trong cho cao đầu lên nhưng bé cũng nấc. Một ngày bé nấc phải 5,6 lần.
Mỗi khi bé nấc, em cho bé bú mẹ, bú chút xíu là sẽ hết nấc. Bé nhà em khá ngoan, rất chịu khó nằm chơi, nằm tự nói chuyện i i đáng yêu lắm, nhưng nằm tí lại nấc như em nói trên. Mà khi nấc bé rất biết hợp tác với mẹ, hễ nấc là dù đã bú no cũng chịu khó bú tiếp để khỏi nấc.
Vấn đề đáng lo ngại là hết tháng 9 em sẽ đi làm lại, lúc đó chẳng có “ti mẹ” ở nhà để chữa nấc cho bé (em cũng đang tập cho bé bú bình nhưng bé ko thích lắm nên ko dùng bình sữa chữa nấc được), bé nhà em ko chữa nấc bằng cách cho khóc được, vì bé chỉ khóc tí xíu là nín thôi nên ko đủ “đô” để hết nấc. Với lại với tần suất nấc nhiều như thế, cho bé khóc hoài cũng tội.
Có mẹ nào có con bị nấc như bé nhà em ko ạ? Không biết khi nào bé sẽ hết nấc ạ? Em băn khoăn ko biết nấc với tần suất thế là bình thường hay bất thường, có cần đi khám bác sĩ ko nữa. Các bố, mẹ thông thái chỉ dẫn giúp em với nhé, con đầu nên em còn ngờ nghệch lắm ạ.
Mẹ Ngọc Dung tư vấn:
Nguyên nhân gây nấc là sự thay đổi nhiệt độ hoặc luồng không khí đột ngột. Do đó, mẹ cháu có thể tránh bằng cách giữ nhiệt độ, không khí trong phòng được ổn định. Ví dụ:
- Bé thức dậy thì choàng thêm chiếc khăn xô vào cổ cho bé để không bị gió, các cửa sổ cửa chính khép lại hoặc để hướng gió sang hướng khác để tránh gió lạnh thổi trực tiếp vào người bé.
- Cho bé ngậm kẹo gừng nếu bé có thể ngậm được, hoặc bôi chút dầu gió (dầu Phật Linh sẽ ko nóng gắt như Trường Sơn) vào cổ tay, gáy, 2 dái tai bé)
- Khi tắm cho bé không để nhiệt độ nước tắm quá chênh lệch với nhiệt độ phòng. Nếu mùa đông lạnh thì cần bật điều hòa chiều nóng hoặc quạt sưởi để phòng ấm hơn. Nhiệt độ nước tắm không chênh lệch quá 3-5 độ so với thân nhiệt của bé cũng như nhiệt độ phòng.
- Vệ sinh sạch sẽ cho bé, ị tè thì thay ngay để tránh bị lạnh dẫn đến nấc, ho…
Mẹ bé Chi Chi: Bé nhà mình cũng bị nấc từ trong bụng mẹ, ra ngoài mới thấy khổ, mình phải để ý con suốt ngày chả rời đi đâu được. Bé nấc thì không ngừng, mỗi tiếng hức hức như người lớn, cào cấu cho bé khóc mà đôi khi không khóc nổi nữa. Mỗi lần nấc là cả nhà như chữa cháy, nào nước, nào mật ong đủ cả mà không ăn thua. Mình chỉ biết là bị co thắt cơ hoành còn chữa thế nào thì cũng chưa biết ở đâu chữa cả. Có trường hợp nhưng là người lớn nấc liên tục thì đến bệnh viện châm cứu vào huyệt nào đó thì hết nấc nhưng con nhà mình bé quá mình chưa muốn dùng phương pháp này. Mẹ nào có kinh nghiệm thì cho lời khuyên nhé
Mẹ bé Nhím:
Bé nhà mình ăn xong cũng thi thoảng bị nấc, bạn có thể chữa bằng 1 số cách :
1. Cho bé bú (cách này là nhanh nhất)
2. Búng vào gót chân bé để bé khóc (cách này Nhím nhà mình vô tác dụng, với cả mình cũng chả dám búng mạnh )
3. Ghì bé thật chặt vào lòng để bé khóc Thường thì mình hay cho bú, nếu không chịu bú mà bị mẹ ép quá Nhím sẽ la oai oái, kêu 1 lúc là hết.
Đừng để bé nấc, bé sẽ bị mệt.
Mẹo chữa nấc theo dân gian của mẹ Phạm Hải Bình:
Các mẹ thân, trẻ bị nấc có thể do nhiều nguyên nhân ị, tè, lạnh …, hồi Bi nhà mình còn trong cữ, mình dùng mật ong để chũa nấc, hiệu quả lắm, lấy khăn sữa nhỏ của bé í, hoặc cái đánh tưa trẻ sơ sinh đấy, quấn vào ngón tay trỏ rồi chấm vào một ít mật ong rồi là vào miệng em bé, 1 chút xíu hết nấc ngay, vừa chữa nấc lại vừa khỏi bi tưa nữa. Bây giờ dược gần 9 tháng rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn bị nấc, lúc này cu cậu có thể buồn tè hoặc buồn vệ sinh, giải quyết xong cái là ngon ngay. Các cụ bảo trẻ nấc thì chỉ có buồn ị hay tè đấy thôi.. he he các mẹ mới có con thơ thử xem nhé.
Nguồn: 4suckhoe.com
Cha mẹ cần chú ý khi đi du lịch cùng bé

Bạn cảm thấy em bé của bạn còn quá nhỏ để tham gia vào những kỳ nghỉ và bạn lo lắng băn khoăn có nên cho trẻ đi đường xa không. Bạn hãy yên tâm đi nhé, nếu bạn đã đủ sức khỏe thì hai mẹ con bạn có thể cùng với gia đình du xuân trong dịp Tết này. Bạn chỉ cần kiểm tra lại một số vấn đề sau trước khi lên đường: 

- Con bạn đã được bao nhiêu ngày tuổi? 

Hầu hết các chuyên gia nhi khoa đều khuyên bạn không nên cho con đi du lịch bằng máy bay nếu con bạn chưa đủ sáu tuần tuổi. Khi còn quá nhỏ cơ thể em bé sẽ dễ bị tổn thương, đặc biệt là những lúc máy bay cất cánh hoặc hạ cánh. 



- Tai của bé có được an toàn không? 

Trong suốt chuyến bay, sự thay đổi của tầng áp suất sẽ ảnh hưởng đến tai giữa có thể làm đau hoặc ù tai. Để tránh cho bé khỏi bị ù tai, bạn nên sử dụng nút chặn tai cho bé trong suốt chuyến đi, bắt đầu từ khi máy bay chuẩn bị cất cánh cho đến khi máy bay đã hạ cánh và dừng hẳn. Nếu bé đang bị bệnh viêm nhiễm tai hoặc bệnh về đường hô hấp thì bạn nên hỏi kỹ bác sĩ xem có nên cho bé đi du lịch cùng gia đình không.

- Bé có thể hít thở bình thường không? 

Có rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy chúng ta không hít thở bình thường trong những môi tường ô xy thấp, chẳng hạn như trong môi trường áp suất khí của khoang máy bay. Nhưng bạn cứ yên tâm, điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến cục cưng của bạn nếu bé có sức khỏe tốt. Trong trường hợp bé có bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh hen suyễn thì bạn phải chắc chắn rằng bạn sẽ mang bé đi cùng bạn dưới sự cho phép của bác sĩ và bạn đã mang đủ thuốc đặc trị cần dùng cho bé.

- Chỗ ngồi của bé có an toàn không? 

Hầu hết những chiếc ghế dành cho trẻ đi xe hơi cũng có kích cỡ phù hợp với ghế máy bay. Đối với những máy bay có khoang dành riêng cho trẻ dưới 1 tuổi thì bạn cũng nên đặt bé trong một chiếc ghế nằm an toàn và nên đặt bé ở những chiếc ghế đầu tiên sát khoang lái. Nếu bé quấy khóc trong chuyến bay, bạn có thể đánh thức bé dậy để cho bé bú và vỗ về bé. 

- Bé bú như thế nào? 

Sữa cho bé và giờ bú của bé trong suốt chuyến bay cũng là việc khá quan trọng. Đối với những chuyến bay ngắn thì bạn không phải quá bận tâm về điều này, nhưng đối với những chuyến bay dài hơn 2 tiếng thì bạn nên lên lịch để cho bé bú hoặc chuẩn bị sẵn những bình sữa được giữ ấm để bé bú trong suốt chặng đường. Để giúp bé ngoan ngoãn và thoải mái trong suốt chuyến bay bạn cũng có thể mang theo những đồ chơi nhỏ xinh mà bé quen thuộc hoặc những con gấu bông nhỏ để bé cảm thấy môi trường trên máy bay cũng không quá xa lạ.